Dinh dưỡng cho cây trồng thời kỳ chuyển hướng nông nghiệp hữu cơ

MỤC LỤC

Sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, bên cạnh việc phải tính toán không sử dụng hóa chất cho việc bảo vệ thực vật, thì việc tìm kiếm, khai thác nguồn dinh dưỡng cho cây trồng thời kỳ chuyển hướng nông nghiệp hữu cơ cũng là một vấn đề phải quan tâm.

Những yếu tố cần quan tâm về dinh dưỡng trong đất

Trong nông nghiệp, thu hoạch về một tấn cà phê nhân, cây lấy đi từ đất khoảng 40 kg N; 26,5 kg P2O5; 30,7 kg K2O; 2,5-3,0 kg CaO; 02 kg MgO; 8-12 gam B; 12-18 g Zn…

Như vậy để đạt năng suất cà phê trung bình hiện nay là 4 tấn/ha, cây cà phê lấy đi từ đất khoảng 160 kg N (tương đương 348 kg Urea); 106 kg P2O5 (588 kg Supe Lân); 123 kg K2O (268 kg Kali Sunphat); 10-12 kg CaO (12-15 kg vôi bột); 8 kg MgO và các vi chất khác. Các cây trồng khác cũng tương tự khi ta trồng chúng xuống đất và thu hoạch nông sản cuối vụ trồng.

Vườn cà phê chuyển đổi sang hướng hữu cơ
Vườn cà phê chuyển đổi sang hướng hữu cơ

Phương thức quảng canh cơ bản là bóc màu đất dựa vào khả năng cây trồng khai thác độ phì sẵn có trong đất cũng tương tự như hệ thống “slash and burn” đốt rừng làm rẫy, chỉ biết thu hoạch từ đất mà không quan tâm trả lại cho đất bất kỳ vật chất hữu cơ gì, đây là nguyên nhân làm đất ngày càng kiệt quệ.

Khi biết thâm canh cây trồng, con người đã biết tính đến lượng dinh dưỡng cần bù đắp lại cho đất khi lấy chúng đi qua sản phẩm thu hoạch cuối vụ mà thước đo là mức năng suất, sản lượng đạt được.

Tuy nhiên, thời gian qua, ta mới chỉ chủ yếu tính đến việc trả lại đất ba nguyên tố dinh dưỡng đa lượng chính là đạm, lân và kali. Các nguyên tố trung, vi lượng khác hầu như bị bỏ qua vì phân hữu cơ bón vào đất rất ít và nhận thức và thói quen sử dụng dinh dưỡng vi lượng này còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng có nông sản sạch, nông sản hữu cơ, việc tính toán sử dụng các dạng phân bón và liều lượng bón cần được quan tâm để không chỉ đạt được mục tiêu nông sản sạch, nông sản hữu cơ mà năng suất, sản lượng cây trồng không giảm, động thái sản xuất được duy trì bền vững, đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng do sức ép quy mô dân số tăng.

Nguồn dinh dưỡng cho cây trồng khi chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ

Giả sử, nếu không sử dụng phân N, P, K hóa học thì (trở lại với câu chuyện cây cà phê nêu trên) để có 01 tấn cà phê nhân, thay vì các phân bón hóa học N, P, K đơn lẻ, các loại phân hữu cơ thay thế cần trung bình như sau:

* Dinh dưỡng từ phân chuồng:

Phân lợn (0,08:0,04:0,026): cần khoảng 550- 650 kg (22- 26 tấn/1ha cho mức năng suất 4 tấn nhân); Phân gà (có hàm lượng đạm cao nhất trong các loại phân chuồng: 0,163:0,154:0,085): cần khoảng 320-360 kg (12,8-14,4 tấn/1ha cho mức năng suất 4 tấn nhân).

Các tính toán này hoàn toàn chỉ là tương đối vì phân chuồng cũng rất khác nhau giữa các loại gia súc, gia cầm; giữa phân tươi và phân ủ; ngoài ra còn khác do cách ủ, do chất phụ gia thêm vào…

Mặt khác, tỷ lệ dinh dưỡng trong 1 loại phân chuồng có khi cân đối N, P, K đối với cây trồng này, nhưng chưa phù hợp với cây trồng khác, có cây cần hàm lượng lân cao hơn, có cây cần kali cao hơn…và cần phải bổ sung loại dinh dưỡng thiếu đó; hơn nữa, đất chua nhu cầu dinh dưỡng khác, đất độc canh, đất luân canh với cây họ đậu cũng cần tính toán khác…

Dinh dưỡng từ phân chuồng
Dinh dưỡng cho cây từ phân chuồng

* Dinh dưỡng từ phân vi sinh, phân hữu cơ khoáng:

Thuận lợi là các mặt hàng phân bón hiện nay đang có sẵn, phong phú về chủng loại và đa dạng về mẫu mã. Người trồng cây căn cứ hàm lượng dinh dưỡng Nhà sản xuất thông báo trên bao bì để tính lượng bón cho phù hợp.

Đối với phân hữu cơ vi sinh, thông thường hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ ở mức trung bình 15% nên cần lượng bón nhiều hơn. Đối với phân hữu cơ sinh học hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ đạt khoảng 25%. Đối với phân hữu cơ khoáng, dinh dưỡng hữu cơ ở mức 10-18% và tổng lượng N, P, K hóa học phối trộn vào khoảng 15-20% tùy loại.

Các loại phân bón này cung cấp cho hệ sinh thái đất các chủng vi sinh vật có lợi cùng với dinh dưỡng cần cho cây trồng, tuy nhiên do hàm lượng dinh dưỡng nói chung không cao như phân hóa học nên lượng sử dụng phải nhiều hơn. Riêng  với loại hữu cơ khoáng do có hỗn hợp với một tỷ lệ dinh dưỡng hóa chất nhất định nên khi sử dụng đơn lẻ, sử dụng lâu dài  cũng phần nào không có lợi cho đất trồng.

Dinh dưỡng từ phân vi sinh
Dinh dưỡng cho cây từ phân vi sinh

* Dinh dưỡng từ các nguồn phân hữu cơ khác:

Các nguồn hữu cơ khác hiện nay cũng có nhiều loại, song hiệu quả cao và khả thi cho việc khai thác, sử dụng phải kể đến các loại dịch lỏng chiết ra từ việc ủ vi sinh với các vật chất hữu cơ như đỗ tương, cá, hoa quả, chuối, trứng…

Đón đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã đưa ra thị trường một số loại phân bón lá hữu cơ được sản xuất trên cơ sở nguyên liệu là vật chất hữu cơ, động, thực vật, sử dụng quá trình lên men hữu cơ. Dinh dưỡng hữu cơ tạo ra ở nhiều mức độ hàm lượng khác nhau tùy thuộc nhà sản xuất, tạo điều kiện cho người trồng cây nhiều cơ hội lựa chọn, sử dụng thay cho phân bón hóa học.

Tuy nhiên, để sử dụng loại vật tư này không đẩy chi phí sản xuất lên quá cao, thiếu khả thi (khi dùng các sản phẩm được sản xuất qua công nghệ cao, giá bán đắt đỏ), thì người sản xuất có thể lựa chọn giải pháp tự sản xuất ra sản phẩm để sử dụng bởi quy trình ủ phân hữu cơ không quá khó với người dân, miễn là họ chọn được đúng chủng loại vi sinh vật hiệu quả cho quá trình ủ hữu cơ (hiệu quả phân giải hữu cơ nhanh, triệt để, khử hết mùi hôi).

Dùng vi sinh vật ủ đỗ tương có thể cho ta dịch phun cây có hàm lượng đạm hữu cơ lên tới 40% cùng nhiều dạng dinh dưỡng hữu cơ P, K, trung, vi lượng khác; bã ủ còn lại dùng để đổ gốc cây trồng rất hiệu quả; công nghệ này toàn dân có thể làm được. Chế biến đạm cá cũng tương tự và cũng là một hướng tạo ra dinh dưỡng hữu cơ (đặc biệt là đạm) rất hiệu quả, nhất là ta có sẵn nguồn cá rẻ tại chỗ.

Tham khảo thêm: Cơ sở khoa học góp phần tạo nên hương vị nông sản Emi

Ủ đỗ tương bón thay thế phân hoá học
Ủ đỗ tương bón thay thế phân hoá học

* Dinh dưỡng hỗ trợ từ hoạt động của vi sinh vật

Về mặt tạo ra và cung cấp dinh dưỡng cho cây được biết đến điển hình qua các chủng vi khuẩn cố định đạm sống cộng sinh cùng bộ rễ cây họ đậu đỗ. Chúng có khả năng cố định Nitơ tự do trong không khí thành dinh dưỡng đạm cho cây trong các nốt sần tạo ra trên rễ.

Theo nghiên cứu khoa học, vi khuẩn nốt sần sống cộng sinh cùng rễ cây họ đậu có khả năng cố định đạm trung bình khoảng 94 kg N/ha/vụ, tương đương 200 kg đạm Urea; mức cao có thể đạt tới 168 kg N/ha/vụ; lượng đạm vi khuẩn cố định được có thể đáp ứng 74% nhu cầu đạm của cây đậu nành.

Chính vì vậy, việc luân canh một loại cây trồng với cây họ đậu đỗ luôn đem lại hiệu quả thiết thực vì chúng được thừa hưởng nguồn dinh dưỡng đạm cùng số lượng vi khuẩn có lợi này trong đất sau khi thu hoạch cây đậu đỗ.

Về mặt hỗ trợ tạo thêm nguồn dinh dưỡng dễ tiêu từ các nguồn dinh dưỡng sẵn có trong đất và nguồn bón bổ sung vào đất, vai trò của vi sinh vật cũng rất quan trọng.

Khai thác khả năng của một số dòng vi sinh vật trong lĩnh vực này, một số chế phẩm vi sinh hiện nay đã đưa vào một số chủng vi sinh có khả năng phân giải hữu cơ và các khoáng chất chuyển thành dạng dễ hấp thu cho cây trồng rất hiệu quả (thường biết đến là các chế phẩm vi sinh đổ gốc), và thay vì cây hấp thu được xx kg dinh dưỡng từ 1 tấn hữu cơ, cây có thể hấp thu được xx kg cộng thêm 20-30% nữa khi các loại vi sinh vật này được đưa vào môi trường đất trồng.

Ngoài hai tác dụng mang ý nghĩa dinh dưỡng phân bón nêu trên, một số vi sinh vật đưa vào hệ canh tác còn có khả năng thúc đẩy quá trình quang hợp của cây trồng, giúp cây tăng năng suất. Vi khuẩn tía quang hợp là một thí dụ điển hình.

Trong điều kiện phòng thí nghiệm (điều kiện tối ưu) đã cho thấy, sự có mặt của chủng vi khuẩn này (khi được phun lên thân, lá) đã đẩy hiệu suất quang hợp lên gấp nhiều lần so với đối chứng.

Trong lĩnh vực này, một vấn đề quan trọng cần quan tâm là đối với vi sinh vật: môi trường phân, thuốc hóa học là môi trường khiến chúng khó sinh tồn, khó phát triển, thì môi trường giàu  vật chất hữu cơ lại là môi trường để chúng tồn tại (có thức ăn) và tạo ra động lực giúp chúng phát triển mạnh mẽ để phát huy tác dụng.

Bài toán dinh dưỡng cho cây trồng thời kỳ chuyển hướng sang nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cần chúng ta suy nghĩ, tính toán để đạt tới mục tiêu chung, tuy rằng hiện nay còn một vài quan điểm cho rằng không nên đoạn tuyệt với phân bón hóa học, hoặc đừng nên coi phân hóa học như “tội đồ”… bởi một thời gian dài vừa qua những vật tư nông nghiệp này đã có công giúp con người tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng như cầu tiêu dùng của xã hội.

Khoai tây sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ
Khoai tây sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ

Thực tế, tùy thuộc vào thực lực của người sản xuất, cơ hội lựa chọn dinh dưỡng cho cây trồng để thay thế hoàn toàn hoặc thay thế một phần, hoặc thay thế dần dần phân bón hóa học sẽ giúp người trồng cây có được kết quả nông sản theo hướng lựa chọn là nông sản hữu cơ, nông sản sạch, hay nông sản còn tồn dư hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép!

Tuy vậy, mục tiêu cuối cùng cần nhắm tới là nông sản phải phục vụ các bữa ăn an toàn, bổ dưỡng cho người tiêu dùng; sức khỏe của cả người sản xuất và tiêu dùng được đảm bảo; môi trường sống trong lành, hệ sinh thái được bảo vệ và mang tính bền vững. Đó là mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ mà hiện nay mặc dù còn những khó khăn, nhưng chúng ta phải kiên trì để đạt được.

 

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty cổ phần Emi Nhật Bản

Địa chỉ: Thửa đất GD 1-15, cụm công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Hotline: 0243 640 8795

Website: eminhatban.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *