Tại sao cần chấm dứt ngược đãi đất bằng phân bón

MỤC LỤC

Việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong canh tác đang rất phổ biến. Trong cuộc phỏng vấn với Yale Environment 360, TS Haney, chuyên gia của Cục Nghiên cứu Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã chia sẻ những tác hại của việc chạy theo sản lượng cây trồng cao bằng cách sử dụng phân bón và các hóa chất nông nghiệp cũng như các phương pháp để có thể phục hồi đất nông nghiệp theo cách tự nhiên.

TS. Rick Haney là một trong những người ủng hộ hàng đầu cho phong trào bảo vệ sức khỏe của đất tại Mỹ. Ông đã đi khắp nước Mỹ để tuyên truyền lợi ích của các mảnh đất tốt và hướng dẫn nông dân cải tạo để đất khỏe mạnh.

Thông điệp của ông rất đơn giản: Mặc dù nước Mỹ có những mảnh màu mỡ nhất thế giới, nhưng việc lạm dụng phân bón trong canh tác nông nghiệp đang lấy đi sự giàu có đó, làm suy kiệt các chất dinh dưỡng thiết yếu và giết chết các loại vi khuẩn, nấm giúp phân hủy chất hữu cơ có lợi cho cây trồng. TS Haney cho rằng dường như mọi người đều nghĩ nếu không đổ phân bón xuống thì cây không thể lớn lên được. Điều này không đúng và cũng chưa từng đúng. Theo ông, mục tiêu tăng năng suất lên cao bằng cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và tất cả các chất hóa học khác đang dần giết chết tài nguyên đất và đe dọa các nông trại.

Tiến sĩ Rick Haney (Ảnh: Yale 360)

Thưa tiến sĩ, ông đang cùng với nhiều nông dân cải tạo đất của họ đúng không?

TS Rick Haney: Đúng vậy. Chúng ta đều biết rằng trong 50 năm qua, hàm lượng chất hữu cơ trong đất – một chỉ tiêu để đánh giá sức khỏe và độ màu mỡ của đất – đang giảm sút. Đây là điều đáng báo động. Có những cánh đồng, hàm lượng chất hữu cơ trong đất chỉ còn vỏn vẹn 1% hoặc ít hơn. Trong khi hàm lượng hữu cơ ở các đồng cỏ là từ 5-6%. Con người đang thay thế cấu trúc đất một cách nhanh chóng. Chúng ta đang hủy hoại chất hữu cơ trong đất, vì thế chúng ta phải phục hồi đất để duy trì sự sống trên hành tinh này.

Điều vui mừng là đất có thể khôi phục lại hàm lượng hữu cơ nếu chúng ta cho nó cơ hội vì chúng ta vẫn chưa hủy hoại đất đến mức không thể hồi phục. Phong trào về sức khỏe của đất đang nỗ lực thực hiện điều này.

Theo ông, đâu là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng đất?

TS Rick Haney: Chúng ta biết rằng khi mảnh đất bị cày xới nhiều, không có cây che phủ, phụ thuộc nhiều vào các chất hóa học, đất sẽ không thể hoạt động bình thường. Các chức năng sinh học không còn phát huy và kết quả sẽ không theo ý muốn. Về cơ bản, chúng ta đang hủy hoại chức năng của đất, dẫn đến việc chúng ta càng ngày càng phải sử dụng nhiều phân bón tổng hợp chỉ để cây trồng có thể lớn lên.

Có phải như vậy đất sẽ giống như một con nghiện ma túy, ngày càng cần nhiều phân bón hơn đúng không, thưa ông?

TS Rick Haney: Điều này hoàn toàn đúng. Sự thật là mặc dù chúng ta nhận thấy sản lượng cây trồng gia tăng trong vòng 50 năm qua nhưng đất lại đang phải sử dụng các hỗ trợ từ bên ngoài để tồn tại. Việc này không mang lại hiệu quả bền vững, đất không thể hoạt động về lâu dài.

Ông nghĩ sao về việc người nông dân cho rằng họ cần phải bón phân vì đất của họ bị cằn cỗi?

TS Rick Haney: Chúng ta đã sử dụng nhiều loại phân bón và thu về sản lượng cây trồng lớn, tưởng chừng như vậy là hệ thống đất trồng vẫn đang hoạt động tốt, nhưng tới khi nó không còn hoạt động nữa chúng ta mới tự hỏi không biết hệ thống này còn hoạt động hay không? Đơn cử như vùng biển chết tại Vịnh Mexico (hình thành vì toàn bộ tảo nở hoa do lượng Nito cao từ phân bón tràn xuống biển). Chúng ta đang sử dụng quá nhiều phân bón. Điều này giống như chúng ta cho các con uống toàn vitamin thay vì ăn uống theo một chế độ cân bằng. Như vậy cơ thể đứa trẻ sẽ không hoạt động được phải không?

Tư duy ngày nay của chúng ta là nếu không đổ phân bón, không cây trồng nào có thể lớn được. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ đúng. Chúng ta muốn nâng cao sản lượng cây trồng nhưng trên thực tế chúng ta lại đang tự hại chính mình.

Chúng ta đang tự hại chính mình như thế nào, thưa ông?

TS Rick Haney: Nếu chúng ta muốn sản xuất nhiều hơn các nông sản như ngô, lúa mì, đậu nành hay cao lương, hãy nhìn vào giá thành của chúng. Tại sao giá thành lại thấp? Tôi trò chuyện với một số người đang trồng ngô xung quanh đây và họ cho biết sẽ không thu được lợi nhuận trong năm nay. Vậy thì những gì đang chờ đợi họ là sự thua lỗ. Điều này thật nực cười. Bạn muốn gia tăng sản lượng, giá thành sẽ giảm xuống. Tại sao bạn phải tăng sản lượng?

Tôi đã từng nói chuyện với một nông dân, anh ta nói rằng nếu áp dụng những quy tắc về sức khỏe của đất, sản lượng sẽ giảm xuống. Tôi trả lời rằng: “Đúng, tôi hi vọng sản lượng của tất cả mọi người đều giảm xuống”. Tư duy chúng ta luôn luôn muốn tăng sản lượng, tăng sản lượng và rồi lại tăng sản lượng. Chúng ta không thể tăng mãi được.

Ý của Tiến sĩ là vấn đề tăng sản lượng sẽ làm giảm lợi nhuận cuối cùng của nông dân và hủy hoại các khu vực đất canh tác của họ?

TS Rick Haney: Chính xác là như vậy. Hãy sản xuất một lượng nông sản phù hợp, không cần quá nhiều. Bằng cách này, giá thành sẽ tăng lên và người nông dân sẽ thu được lợi nhuận. Nông dân thường có lợi nhuận thấp, nên nếu chúng ta có thể sử dụng phân bón một cách hiệu quả hơn và vẫn thu được lợi nhuận như nhau, điều này sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Hãy trả lại trạng thái khỏe mạnh cho đất, không cần sử dụng nhiều phân bón và canh tác hòa hợp với thiên nhiên thay vì chống lại nó.

Thuốc trừ sâu có gây hại gì cho các hoạt động sinh thái trong đất không, thưa Tiến sĩ?

TS Rick Haney: Có chứ, sử dụng thuốc trừ sâu giống như quá trình hóa trị ung thư: Nó tiêu diệt mọi thứ, không có chọn lọc. Điều tương tự xảy ra trong đất khi chúng ta sử dụng thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu sẽ tiêu diệt cả côn trùng có lợi và có hại. Thuốc diệt nấm tiêu diệt toàn bộ nấm trong đất, bao gồm cả các loại nấm có lợi. Nấm thực sự cần thiết cho đất. Vì thế, cần chấm dứt việc tiêu diệt chúng và trả lại chúng về cho đất. Nếu bạn vào trong rừng, nơi có những khu vực đất tốt nhất bạn sẽ thấy nấm xuất hiện ở khắp mọi nơi dưới lớp lá rụng.

Theo Tiến sĩ có phải mọi nỗ lực kiểm soát thiên nhiên của con người thường phản tác dụng?

TS Rick Haney: Nhiệm vụ của chúng ta là kiểm soát hậu quả việc sử dụng nhiều hóa chất. Thiên nhiên cuối cùng sẽ giành chiến thắng. Chúng ta có thể sử dụng hóa chất để tiêu diệt cỏ dại hay sâu hại, nhưng sẽ đến lúc chúng ta phải sử dụng biện pháp khác vì thiên nhiên sẽ luôn có cách đáp trả chúng ta.

Cách phản tự nhiên là “Tiêu diệt mọi thứ và trồng trọt bất cứ thứ gì ta muốn” thay vì “Hãy trồng nhiều loại cây trồng khác nhau để tăng hiệu quả sản suất”. Chúng ta cần canh tác hài hòa với tự nhiên thay vì cố gắng chống lại nó.

Sử dụng quá nhiều phân bón có làm gián đoạn các hoạt động sinh thái trong đất hay không, thưa ông?

TS Rick Haney: Tôi tin là có. Ở các cánh đồng có ít vi sinh vật hoạt động, lượng chất hữu cơ cũng sẽ ít. Có một số nghiên cứu cho thấy các loại phân bón có chứa hàm lượng Nito cao sẽ phá hủy carbon trong đất. Các vi sinh vật sau khi sử dụng hết lượng Nito còn thừa sẽ phân hủy carbon, tạo ra một lượng lớn. Như vậy, Nito dư thừa sẽ khiến carbon phát thải thay vì lưu trữ nó trong đất.

Theo Tiến sĩ, chúng ta phải làm gì để tăng lượng carbon trong đất lên 0,4%/năm như kêu gọi của Hiệp định Khí hậu Paris?

TS Rick Haney: Chúng ta nghe rất nhiều về việc cần thiết phải trồng cây, không phá rừng nhiệt đới, những việc này đều quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta còn có tài nguyên đất lớn – trên khắp thế giới – nhưng lại “rỗng bên trong”. Khi chúng ta trồng cây sẽ diễn ra quá trình sinh học là cây hấp thụ carbon trong không khí và đưa vào đất.

Vì vậy, chúng ta không bao giờ được để đất trống. Hiện nay, có rất nhiều nông dân bỏ hoang đồng ruộng của họ trong nhiều năm. Nếu họ đa dạng hóa cây trồng, hãy thử nghĩ đến lượng crcbon trong khí quyển được đưa vào tích tụ. Bằng cách này,chúng ta có thể trả lại lượng carbon về với đất.

Các loại cây trồng có thể tự hoàn trả lại chất dinh đưỡng cho đất, ví như các loại cây họ đậu, có thể tăng hàm lượng Nito trong đất phải không, thưa Tiến sĩ?

TS Rick Haney: Đúng vậy, cả Nito và carbon nữa. Đó là việc mà những người nông dân buộc phải làm ở thời kỳ chưa có phân bón. Tuy nhiên, sau khi phân bón tổng hợp ra đời, chúng ta đã quên mất và làm ngơ điều này.

Hiện tại, chúng tôi có một hệ thống bảo tồn đất theo cách chi trả cho nông dân để họ ngừng canh tác trên những mảnh đất đó. Chúng tôi trồng các loại cây trồng phủ xanh sau vụ mùa và để chúng lớn lên qua mùa đông. Chúng tôi thỏa thuận rõ với nông dân về khu vực họ được phép chăn thả vật nuôi.

Ông đã phát triển một phương pháp mới để kiểm tra đất. Tại sao lại cần việc này?

TS Rick Haney: Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa kiểm tra các yếu tố chính. Về cơ bản, chúng tôi bỏ qua các nhân tố sinh học như Nito (đạm) và phosphate (lân). Các ước tính trong phương pháp đó là 1g đất chứa 6 – 10 triệu vi sinh vật. Nếu không có chúng, không loài cây nào có thể sinh sống được. Vi sinh vật là yếu tố quan trọng thứ 2 sau carbon. Rễ cây sẽ thải ra các hợp chất carbon, thu hút vi sinh vật. Ngược lại, các vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ trong đất, thải ra Nito và phosphate dưới dạng cây dễ hấp thụ. Các quá trình này tạo thành một vòng tuần hoàn hoàn chỉnh quanh rễ cây. Đó là những gì chúng tôi đang thử nghiệm trong phương pháp mới này.

Đầu tiên, chúng tôi sấy khô đất, sau đó lại làm ẩm và đo khối lượng CO2 (do vi sinh vật sản sinh) thoát ra từ đất trong 24 giờ. Khối lượng CO2 tỉ lệ thuận với mức độ khỏe mạnh của đất. Thật sự rất đơn giản!.

Có phải khi nhận thấy các chức năng sinh học của đất đã suy giảm, những người nông dân sẽ có động lực áp dụng các biện pháp tốt cho đất mà ông đang đề cập?

TS Rick Haney: Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho những người nông dân đủ tự tin thay thổi phương thức canh tác của họ. Chúng tôi gợi ý cho họ nên thực hiện trên khoảng 40 ha, đừng vội thực hiện trên 90 ha, nếu hiệu quả, mới mở rộng mô hình. Một số nông dân đã vui mừng chia sẻ rằng năm qua, tôi đã giúp họ đã tiết kiệm được 60.000 USD chi phí phân bón. Tôi trả lời họ rằng họ tiết kiệm được chi phí là do họ đã tin tưởng lựa chọn phương pháp này.

Những người nông dân có nhanh chóng nhận thấy hiệu quả không?

TS Rick Haney: Không hoàn toàn vậy. Phong trào về sức khỏe của đất chỉ mới bắt đầu và mọi người cho rằng chỉ trong vòng 2 hoặc 3 năm chúng ta có thể cải tạo được đất. Tôi đã nói rằng đất cơ bản đã bị hủy hoại trong 50 năm, vì vậy cần nhiều hơn 2 hay 3 năm mới có thể cải tạo được đất. Do đó, đất cần được cải tạo trong thời gian dài.

Vậy, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

TS Rick Haney: Chúng ta cần thêm những nghiên cứu độc lập vì chúng ta mới hiểu biết một phần nhỏ về chức năng và sinh thái học của đất. Chúng ta mới chỉ đang bắt đầu, nếu có ai đó nói với bạn rằng họ có thể biết những gì đang xảy ra trong lòng đất thì có lẽ họ đang nói dối hoặc đang muốn bán cho bạn thứ gì đó. Thật phức tạp để hiểu các quá trình chuyển hóa trong đất vì nó là một hệ thống luôn vận động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *