MỤC LỤC
Không muốn diệt cỏ, mà còn muốn trồng thêm
Lâu nay, nông dân quan niệm cỏ dại giống như kẻ thù, cũng như côn trùng phá hoại mùa màng. Họ tìm đủ mọi cách để làm sạch cỏ, thậm chí tận diệt bằng thuốc diệt cỏ hoặc xới đất. Họ lo sợ cỏ dại sẽ cạnh tranh ánh sáng, chất dinh dưỡng với cây trồng. Vậy nên, diệt cỏ được coi là ưu tiên hàng đầu.
Thế nhưng, một số nhà vườn ở tỉnh Tây Ninh đang làm ngược lại, đó là giữ cỏ trong vườn để tiết kiệm chi phí và hướng tưới canh tác bền vững. Cách làm này được xem là hướng đến sự an toàn, bền vững, xu thế mới của nền nông nghiệp hiện đại.
Vườn dâu tằm với hơn 1000 gốc của gia đinh anh Nguyễn Thanh Vũ (vườn dâu tằm Ba Phong, ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) rộng 2ha liên tục cho thu hoạch trái từ đầu năm 2023. Dưới các gốc dâu tằm là cỏ mọc tự nhiên, chẳng những anh Vũ không tìm cách diệt cỏ mà anh còn dự định sẽ trồng thêm cỏ, rau trái.
“Khi bông cỏ bắt đầu già mình sẽ cắt gần tới ngọn và để ủ cỏ luôn tại chỗ. Hoa của cỏ vừa trực tiếp mọc cây con, cỏ cắt đi còn là nguồn phân hữu cơ trả lại dinh dưỡng cho đất. Cách làm này giúp mình tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa không mất mát gì mà đất cũng được hưởng nhiều lợi ích”, anh Thanh Vũ chia sẻ.
Việc cỏ mọc trong vườn cây ăn trái là chuyện bình thường của nhiều năm trước đây. Thế nhưng sau này, vì cho rằng cỏ dại sẽ cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng vưới cây trồng nên nhà vườn đã diệt cỏ bằng đủ mọi cách. Đáng ngại nhất là việc sử dụng quá mức thuốc diệt cỏ gây hại lớn đến môi trường và chất lượng nông sản. Khác với nhiều cây trồng, cỏ không ai trồng nhưng sinh sôi đầy ắp, càng tận diệt, chúng càng vươn lên mạnh mẽ.
Tại trang trại sầu riêng Huỳnh Quới (ấp Sóm Suối, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cỏ mọc um tùm dưới những gốc sầu riêng. Cỏ dại giúp anh Huỳnh Quới vẫn hạn chế được việc tưới ngay cả trong mùa nắng. Đồng thời, cỏ dại cũng sẽ chống được xói mòn, bộ rễ giúp đất tơi xốp, tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập, hoạt động trong đất. Suốt nhiều năm nay, anh Quới luôn coi cỏ là bạn thân thiết trong việc canh tác đất nông nghiệp.
Anh chia sẻ:”Khi bón phân, vườn có cỏ dại sẽ giữ được độ ẩm, tránh ánh nắng, mưa trực tiếp tác động, lại giúp đất tơi xốp hơn nên hạn chế được thất thoát phân bón. Đồng thời, cỏ dại khi cắt đi cũng là chất hữu cơ rất quan trọng giúp trả lại dinh dưỡng về với đất, làm cho hệ sinh thái của vườn cây bền vững, thu hút thiên địch. Vì vậy việc duy trì cỏ dại sẽ hạn chế được việc phun xịt thuốc BVTV cho vườn cây nếu chúng ta biết duy trì phù hợp cỏ dại và sử dụng cỏ hợp lý để cân bằng hệ sinh thái trong vườn”.
Cỏ dại- yếu tố then chốt cho nông nghiệp hữu cơ
Thực tế, cha ông ta từ ngàn đời cũng đã biết coi cỏ là bạn. Nhìn lại thói quen canh tác trong việc trồng lúa nước của cha ông ta đã biết “ăn ở” rất đúng mực với những loại cỏ trên cánh đồng. Cỏ dại không chỉ vô hại với cây trồng mà còn là thảm thực vật giữ độ ẩm và nuôi dưỡng hệ sinh vật làm màu mỡ bền lâu cho đất.
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM dẫn chứng: Người xưa làm cỏ là làm thoáng cho cây trồng, chỉ những cây trồng cùng một tầng ăn với cỏ, như lúa, mới cào cỏ rồi vùi xuống cho tốt đất.
“Thảm cỏ vẫn được duy trì hợp lý và luôn tái sinh tươi tốt, cho gia súc có cái để ăn, cho đất đai không bị xói mòn, cho không khí đồng quê trong lành tươi mát. Và nên nhớ, phần lớn các loại cỏ dại đều là những vị thuốc, nhờ chúng mà con người cùng gia súc gia cầm kháng được bệnh, chúng chính là phước lành trên vườn ruộng. Cha ông ta không coi cỏ dại là kẻ thù mà là bè bạn”, TS Trần Đình Lý cho hay.
Nhật Bản- quốc gia thượng tôn những triết lý nông nghiệp tự nhiên. Và tất nhiên, với họ, duy trì cỏ dại cũng là điều không thể thiếu trong thói quen canh tác nông nghiệp.
Masanobu Fukuoka (1914-2008) là nhà khoa học đất- vị tổ sư của nông nghiệp thuận thiên Nhật Bản. Ông cho rằng, con người đang dần trở nên xa cách với thiên nhiên khi cố gắng kiểm soát bệnh tật bằng mọi cách. Điều này là vô ích, đồng thời huỷ hoại tất cả. Với Masanobu Fukuoka, nông nghiệp đồng nghĩa với không diệt cỏ, không trừ sâu, không cày xới, không phân bón.
Nhiều năm công tác tại Nhật Bản, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay- Chủ tịch Hội Đông Tây y kết hợp TP.HCM khá ấn tượng với thói quen canh tác và triết lý nông nghiệp của người Nhật.
“Người Nhật quan niệm rằng: Rau cỏ do chính tay họ trồng ra phải sạch tuyệt đối, được ăn trực tiếp mà không cần rửa. Còn đối với rau củ trồng chung với cỏ dại thì không chỉ ăn ngon mà còn là những vị thuốc tự nhiên để chữa bệnh.
Và với những người làm về y học, nhất là về đông y như chúng tôi, luôn tìm được vô vàn những loại thuốc với dược liệu cao ở trong những kẽ cỏ dại. Tại Việt Nam, phần lớn những cây thuốc trong sách Hải thượng Y tông tâm lĩnh của danh y Lê Hữu Trác, hay Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh…. cũng đều là các loài cỏ dại, rau củ trong vườn”, PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay chia sẻ.
Ehrenfried E. Pfeiffer (1899-1961) là nhà khoa học người Đức chuyên về khoa học đất đã bày tỏ quan điểm của mình trong cuốn sách “Cỏ dại và những điều ta chưa biết” như sau: Cỏ dại bị coi là sinh vật gây hại theo ý chủ quan của con người bởi chúng mọc ở nơi không như sự mong muốn của con người. Ở vườn cây có sự tham gia của cỏ dại, chúng sẽ kháng lại được các điều kiện bất lợi mà cây trồng không thể kháng được.
“Chúng là nhân chứng cho sự thất bại của con người trong việc làm chủ đất đau và chúng mọc phong phú ở những nơi chúng ta để lỡ, giúp chúng ta nhận ra sai lầm của mình và cách khắc phục của tự nhiên. Từ câu chuyện cỏ dại, ta có thể nhận ra một thông điệp từ những bài học tự nhiên dạy cho chúng ta. Nếu chúng ta chịu lắng nghe, chúng ta có thể nhận ra những năng lực khá tốt của thiên nhiên trong việc giúp chúng ta khắc phục sai lầm và đôi khi chúng như chế giễu loài người vậy”, ông viết.
Theo các nguyên tắc của ngành khoa học đất, cỏ dại mùa nắng sẽ bảo vệ được vi sinh vật ở dưới đất, giữ độ ẩm cho cây trồng. Khi tưới phâm, chính cỏ là “hàng rào” giữ lại lượng phân bón, tránh thất thoát. Còn vào mùa mưa, cỏ dại giúp nông dân giải quyết việc chống xói mòn đất. Khi lên bông, cỏ dại sẽ được các nhà vườn cắt đi, ủ vào chính những gốc cây để làm phân hữu cơ, tạo lớp mùn hữu ích cho cây trồng.
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng: năng suất là điều khiến nông dân e đe khi quyết theo con đường nông nghiệp hữu cơ. Để theo đuổi được nông nghiệp hữu cơ, giải pháp hữu hiệu nhất là cải tạo, phục hồi và thúc đẩy dinh dưỡng cho đất. Cỏ dại chính là yếu tố then chốt trong giải pháp này.
“Nuôi đất bằng lớp phủ cỏ dại, phân xanh,… giúp phục hồi môi trường và hệ sinh thái vi sinh vật, trả lại cho đất dinh dưỡng vốn có, cho đất có thời gian nghỉ để tự đất có thể cân bằng, duy trì và táo tạo lượng dinh dưỡng cần thiết bên cạnh các biện pháp kiểm soát sâu bệnh hại giúp tăng năng suất qua mỗi mùa vụ”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.
Cỏ dại cần được quản lý đúng cách
Để tận dụng tối đa những lợi ích mà cỏ dại mang lại, TS Trần Văn Thịnh, Phó khoa Nông học, ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết cần có biện pháp quản lý cỏ dại hợp lý.
- Nói không với thuốc trừ cỏ trong vườn. Nếu muốn loại bỏ những loại cỏ dại không mong muốn trong vườn thì có thể thực hiện thủ công, bỏ vào gốc cây làm phân hữu cơ và trồng thêm những cây cỏ khác.
- Ưu tiên những loại cỏ dại bản địa và loài cỏ mọc tự nhiên trong vườn. Trồng xen với những loại cây cỏ họ đậu, cúc hoặc những loại cỏ cho sinh khối để tăng cường đạm sinh học cho đất, cải tạo đất, hạn chế tuyến trùng đất và làm thức ăn chăn nuôi.
- Nên cắt cỏ khi cỏ đã tàn hoa, có hạt. Cắt cỏ cách gốc khoảng 10-15 cm, chỉ cần cắt cỏ 2-3 lần trong mùa mưa.
Nguồn tham khảo bài viết: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ phần Emi Nhật Bản
Địa chỉ: Thửa đất GD 1-15 Cụm công nghiệp Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội
Hotline: 024 3640 8795
Website: eminhatban.vn
Tham khảo các bài viết khác về nông nghiệp, bà con truy cập: https://www.facebook.com/eminhatban