Cách chăm sóc vật nuôi vào mùa hè

MỤC LỤC

Người dân cần biết cách chăm sóc tốt vật nuôi, nhất là vào thời điểm mùa hè nhằm giúp vật nuôi tăng trường tốt hơn, phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn và năng suất nuôi cũng cao hơn. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp một số gợi ý bà con có thể tham khảo.

Chuồng trại và mật độ

Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, xa khu dân cư, các nhà máy xí nghiệp, lò gạch…, theo hướng Đông – Nam là tốt nhất. Nền chuồng cao hơn mặt đất khoảng 30 – 40 cm, đảm bảo thoát nước tốt. Mái hiên cách mặt đất tối thiểu 2 m, có thể làm bằng mái ngói, cọ… Xung quanh chuồng trại nên có mành che, trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng trại nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi. Không nên treo quạt trên trần nhà vì gió thổi từ mái chuồng xuống dưới vật nuôi thường là khí nóng, hiệu quả chống nóng thấp. Có thể lắp hệ thống phun mưa lên nóc chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to; khi phun, cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng.

chăm sóc vật nuôi

Trong mùa hè, nắng nóng, cần giảm mật độ nuôi nhốt. Mật độ nuôi trâu, bò thịt 4 – 5 m2/con, dê 1,8 – 2 m2/con, lợn nái 3 – 4 m2/con, lợn thịt 2 m2/con, gà thịt nuôi nhốt 10 – 15 con/m2, gà đẻ 3 – 5 con/m2, gà con gột 50 – 60 con/m2.

Công tác vệ sinh thú y

Tăng cường vệ sinh thú ý, đảm bảo chuồng, trại sạch sẽ, khô ráo. Khơi thông cống thoát nước, tránh phân và nước thải đọng, hạn chế phát sinh ruồi muỗi và sinh vật gây bệnh. Đặc biệt chú trọng phương pháp tiêu độc, khử trùng nơi cho ăn, chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Tiêm phòng cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chú ý quan sát, phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời cách ly cho vật nuôi bị ốm và có phương pháp điều trị.

Cách chăm sóc vật nuôi

Trong quá trình nuôi sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng. Đối với gia cầm, cho ăn những thực phẩm giàu chất béo thay cho tinh bột. Bổ sung thêm canxi cho gia cầm đẻ trứng. Định kỳ bổ sung các loại vitamin và các chất điện giải như Bcomlex, Vitamin C, vitamin tổng hợp bằng cách pha vào nước uống. Hạn chế vận chuyển gia cầm khi trời nắng nóng. Nên có dụng cụ chuyên dụng, mật độ và cách chăm sóc hợp lý khi vận chuyển gia cầm đi xa.

cách chăm sóc vật nuôi

Đối với trâu bò, tăng cường thức ăn xanh như rau cỏ tươi, 15 – 35 kg/con/ngày, thức ăn thô xanh ủ chua, ủ urê với lượng 3 – 5 kg/con/ngày, bổ sung thức ăn tinh 1 – 2,5 kg/con/ngày. Đối với bò sữa thì lượng thức ăn tinh bổ sung theo năng suất sữa. Mùa nắng nên tắm cho trâu, bò 1 – 2 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể, không tắm khi nhiệt độ quá cao. Chú ý, đối với bò sữa nên tắm trước hoặc sau khi vắt sữa 2 – 3 giờ. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt, chỉ nên chăn thả vào lúc 6 – 9 giờ và 16 – 18 giờ. Đặc biệt không nên cho làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Đối với lợn, tắm mát 1 – 2 lần/ngày, không tắm cho lợn trong khoảng thời gian 11 – 14 giờ trong ngày. Bổ sung thêm muối ăn vào nước uống cho lợn với lượng 1 – 3 g/10 kg lợn/ngày, đường gluco 5 – 10 g/10 kg lợn/ngày hoặc Vitamin C.