Các kiểu làm giàn chanh dây: giàn chữ T

MỤC LỤC

Khi nói đến chanh leo, là phải nói đến giàn để cây bám và leo lên.

Nếu chỉ là giàn chanh dây trồng trong gia đình để làm cảnh, lấy bóng mát, khoảng xanh, và ăn trong gia đình, thì bạn chỉ cần làm giàn nhỏ kiểu giàn mướp, hoặc đan lưới thép, giàn mắc cáo bằng tre, hoặc thả cho chanh leo theo bờ rào, tường nhà là được.

Nhưng nếu bà con nông dân quyết định trồng chanh leo làm cây kinh tế, thì cần phải tham khảo các loại giàn chuyên dụng cho cây chanh leo. Giàn chanh leo có tác động quan trọng đến chất lượng quả, hiệu suất ra quả và khả năng sinh trưởng của cây. Kiểu giàn cũng ảnh hưởng đến bà con trong các khâu chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch khi vào mùa.

Trong bài trước đây về giàn chanh leo truyền thống, bà con đã nắm được các ưu nhược điểm của kiểu giàn truyền thống rồi. Bà con nên tham khảo thêm kiểu giàn chanh leo chữ T để có thêm sự lựa chọn phù hợp cho giàn chanh leo của mình.

Dàn chanh leo chữ T
Giàn chanh leo chữ T

Giàn chanh leo chữ T

Giàn chanh leo chữ T là kiểu giàn với những trụ chữ T được neo kéo lại với nhau thành giàn.

Có hai kiểu cọc chữ T, đó là giàn cọc đơn và giàn cọc đôi.

Giàn cọc đơn là kiểu trồng một cọc ở mỗi điểm đặt cọc, điểm cọc cách nhau khoảng 3m. Trên thân cọc đấu thanh ngang có chiều dài từ 1m2 đến 1m5, đấu vào đỉnh cọc hoặc cách đỉnh cọc nửa mét. Cọc có chiều cao 3m, chôn sâu vào đất 0,5m.

Giàn cọc đôi cũng tương tự như vậy, chỉ khác là ở mỗi điểm cọc, ta trồng từng đôi cọc song song cách nhau 1m. Thanh ngang dài từ 2,5 đến 3m, cũng đấu ngang đôi cọc tại đỉnh hoặc cách đỉnh 0,5m. Khoảng cách giữa mỗi điểm cọc là từ 4-4,5m.

Khoảng cách giữa các hàng cọc là 3m.

Kẽm được sử dụng căng giàn là loại kễm dây 3-4 li và kẽm 1-2 li. Ta buộc nối các đầu cọc, các đầu thanh ngang lại với nhau theo hàng cọc. Kẽm 1-2 li dùng để buộc thành các đường song song trên thanh ngang với khoảng cách mỗi dây là 0,5m.

Nếu trồng giàn cọc trên nền đất yếu, cọc cần được néo đầu để gia cố và tăng độ vững chắc cho cả giàn.

Ưu và nhược điểm của giàn chanh leo chữ T

Ưu điểm của giàn chanh leo chữ T:

Giàn chữ T với đặc trưng tạo khoảng trống lớn bên trên và thông thoáng bên dưới, khoảng cách hàng/hàng khá rộng, nên có thể trồng xen canh các loại rau màu để tăng hiệu quả kinh tế.

Dàn chanh leo
Giàn chanh leo

Với giàn chữ T, ánh sáng mặt trời chiếu rọi đến đừng cây, nên vườn chanh dây sẽ phát triển đồng đều, mạnh mẽ, hạn chế được sâu bệnh ưa ẩm.

Năng suất tính trên mỗi cây sẽ cao hơn, tỷ lệ đạt quả cao hơn giàn truyền thống, chất lượng quả thành phẩm loại 1 có thể đạt đến 70-80%.

Không gian của giàn chữ T tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân có thể quan sát từng cây chanh leo, chăm sóc đồng đều, nhanh chóng phát hiện sâu bệnh hại và xử lý kịp thời. Việc chăm sóc và thu hoạch cũng dễ dàng hơn.

Nhược điểm của giàn chanh leo chữ T:

Giàn chanh leo chữ T thi công phức tạp hơn giàn truyền thống rất nhiều.

Cách bố trí mật độ cọc của giàn chữ T khiến mật độ trồng khá thưa, chưa phát huy được năng suất trồng như mong muốn của bà con nông dân.

Cọc chính của giàn chữ T, nhất là giàn chữ T đơn, phải là loại cọc tốt. Cọc bê tông hoặc cọc bằng cây tốt mới có thể chịu lực và chống giữ giàn được. Vì vậy chi phí đầu tư cho giàn tăng cao khá nhiều.

Kiểu giàn chữ T (đơn hoặc đôi) là kiểu giàn tân tiến hơn kiểu giàn truyền thống, có lợi điểm về chăm sóc, thu hoạch, hiệu suất cao trên từng cây, nhưng đổi lại là chi phí đầu tư cao và mật độ trồng thấp. Kiểu giàn phù hợp cho những hộ nông dân quyết định đầu tư lâu dài, nhắm vào chất lượng thành phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *