Ông Tây về Đà Lạt làm nông nghiệp hữu cơ

MỤC LỤC

Mối lương duyên của ông Tây với Việt Nam

Lấy vợ người Việt Nam, Marco Kranz rời nước Đức, theo vợ về Đà Lạt mở trang trại nông nghiệp hữu cơ và áp dụng thành công các công nghệ vào trang trại này.

<em>ông Tây Marco, Huệ và con trai trong vườn rau quả hữu cơ ở Đà Lạt. Ảnh: Organica. </em>
ông Tây Marco, Huệ và con trai trong vườn rau quả hữu cơ ở Đà Lạt. Ảnh: Organica.

Mối tình xuyên biên giới

Trần Thị Huệ và Marco Kranz là một cặp vợ chồng Việt – Đức. Công việc trước đây của Marco không dính dáng gì tới nông nghiệp, bởi anh là một chuyên gia về công nghệ thông tin. Ngược lại, Huệ là dân nông nghiệp chính hiệu. Cô đã có nhiều năm sinh sống và làm việc ở Đà Lạt, với công việc chính là tư vấn về kỹ thuật sản xuất các loại rau cao cấp cho nông dân.

Marco làm việc ở Đức, Huệ ở Việt Nam, lại khác lĩnh vực, nên họ không có cơ hội quen nhau ở ngoài đời thực mà quen nhau qua mạng qua một ứng dụng hẹn hò. Qua chuyện trò, họ thấy giữa 2 người có nhiều điểm tương đồng, vì tuy làm công nghệ thông tin nhưng Marco cũng rất quan tâm tới nông nghiệp.

Khi đã quen nhau, Marco quyết định sang Việt Nam du lịch và thăm Huệ. Địa điểm đầu tiên ở Việt Nam mà Marco đặt chân tới là Hà Nội. Khi vừa đến thành phố này, Marco đã cảm thấy có những điều rất quen thuộc, giống như ở nước Ý mấy chục năm trước (mẹ của Marco là người Ý). Những món ăn Việt Nam nhanh chóng chinh phục được khẩu vị của Marco, càng làm anh thấy thêm gần gũi với đất nước này.

Sau khi cưới nhau, Marco về quê vợ ăn tết. Dù khác biệt ngôn ngữ, nhưng Marco vẫn được gia đình Huệ đối đãi như là con cái trong nhà, chứ không phải như một người ngoại quốc. Mỗi khi Marco đi ra ngoài, anh đều được hàng xóm, láng giềng của bố mẹ Huệ chào hỏi, đối xử một cách rất thân thiện, ấm áp, giống như người Ý vậy.

Chính vì vậy, khi Huệ rủ Marco về Việt Nam cùng làm nông nghiệp, anh đồng ý ngay. Trước đó, Huệ và Marco đã thấy được tiềm năng của sự kết hợp giữa một người là chuyên gia về nông nghiệp và người kia là chuyên gia công nghệ thông tin, trong việc phát triển một trang trại. Marco cũng muốn tự tay làm ra những loại thực phẩm tốt lành nhất, trước hết là cho gia đình nhỏ của mình, sau là đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đưa công nghệ vào trang trại hữu cơ

Về Đà Lạt, Huệ và Marco đi tìm và thuê được một mảnh vườn nhỏ, có nhà kính, rộng 2.500 m2, và bắt tay sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Mảnh vườn này trước đó được người ta trồng hoa. Do hoa không bán được vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ vườn cũ hầu như không đầu tư chăm sóc nữa mà chỉ tưới nước cho cây trong một thời gian dài.

Thu hoạch dâu Hana ở Max Organic. Ảnh: Organica.

Vì vậy, khi Huệ và Marco thuê lại, những hóa chất tồn dư trong đất gần như không còn. Ngay sau khi tiếp nhận vườn, Huệ trồng các loại cây họ đậu để cải tạo đất vườn cho phù hợp hơn nữa với sản xuất hữu cơ. Họ lấy tên cậu con trai bé nhỏ để đặt tên cho trang trại là Max Organic.

Khi đất đã cải tạo xong, Huệ đặt mua từ Mộc Châu (Sơn La) giống dâu Tây có nguồn gốc từ Nhật Bản mà người Việt Nam quen gọi là dâu “Hana”. Cô trồng dâu trên diện tích khoảng 1.000 m2. Phần còn lại trồng các loại rau như ớt ngọt, xà lách, củ cải đỏ…

Tất cả các loại rau quả này đều được canh tác hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học. Việc diệt trừ sâu và các côn trùng gây hại trong vườn đều nhờ vào thiên địch và bắt bằng tay. Theo Organica, Max Organic là một trong những vườn dâu hiếm hoi ở Việt Nam đang được canh tác theo phương thức hữu cơ.

Do dâu Tây rất khó trồng và có nhiều sâu bệnh, nên trong thời gian đầu, Max Organic đối mặt với khó khăn không nhỏ khi sâu phát triển nhanh trong khi thiên địch (được mua từ một công ty chuyên sản xuất thiên địch) chưa kịp thích nghi với môi trường trong vườn. Tuy nhiên, nhờ có kiến thức sâu về nông nghiệp, Huệ vẫn bình tĩnh, chấp nhận bị thiệt hại về sản lượng, kiên trì bắt sâu bằng tay trong khi chờ thiên địch thích nghi và phát triển.

Phải mất tới 3-4 tuần, vườn dâu của Max Organic mới thiết lập được sự cân bằng giữa thiên địch và công trùng gây hại và đi vào phát triển ổn định. Huệ vẫn quan sát kỳ khu vườn hằng ngày để bổ sung thiên địch định kỳ hoặc bổ sung ngay khi thấy mật độ sâu bệnh tăng lên.

Tháng 12 năm ngoái, những trái dâu tươi đầu tiên của Max Organic đã được đưa vào bán trong hệ thống Organica. Để đưa được những trái dâu căng mọng, ngọt ngào này ra thị trường, ngoài những nỗ lực lớn trong sản xuất hữu cơ, Huệ và Marco còn phải bỏ ra nhiều công sức cho việc đóng gói, bảo quản, vì dâu Hana rất mềm, dễ bị dập nát trên đường vận chuyển nếu đóng gói không kỹ. Bù lại, những trái dâu sản xuất hữu cơ từ chính bàn tay của họ đã được khách hàng đón nhận và đánh giá cao.

Marco và Huệ giới thiệu các sản phẩm hữu cơ do chính họ sản xuất. Ảnh: Thanh Sơn.

Một điều đặc biệt khác ở Max Organic là dựa trên những yêu cầu của Huệ về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho khu vườn, Marco đã vận dụng các kiến thức về công nghệ thông tin, tự thiết kế ra hệ thống các cảm biến đo nhiệt độ, đo ánh sáng, đo độ ẩm đất, độ ẩm không khí.

Với hệ thống này, khu vườn luôn đảm bảo được độ ẩm, nhiệt độ… phù hợp cho sinh trưởng của cây. Cũng nhờ áp dụng công nghệ thông tin, Huệ và Marco luôn có thể quan sát, kiểm soát, điều hành được hoạt động ở Max Organic một cách dễ dàng ngay cả những khi 2 người đang ở xa. Ngoài ra, Marco còn thiết kế một hệ thống thoát nước ngầm để nước tưới ở những vườn xung quanh không ngấm sang vườn hữu cơ Max Organic, qua đó ngăn được nguy cơ nhiễm dư lượng hóa chất từ vườn khác.

Như vậy, có thể nói, Max Organic là khu vườn đã kết hợp được một cách thành công giữa công nghệ và sản xuất theo phương thức hữu cơ.

Đến thời điểm này, ngoài dâu Tây, nhiều loại rau sản xuất theo phương thức hữu cơ của Max Organic đã được đưa vào bán trong hệ thống Organica và được đông đảo khách hàng đón nhận. Gần đây, trang trại đã lấy mẫu gửi sang Hà Lan nhờ test theo các tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu, và tất cả các chỉ tiêu đều đạt. Tuy nhiên, Max Organic vẫn cần phải chờ thêm thời gian mới tiến hành các thủ tục cần thiết để được cấp các chứng nhận hữu cơ.

Trước mắt, Huệ và Marco sẽ hợp tác với một đối tác có quỹ đất lớn ở Đà Lạt để làm một trang trại sản xuất hữu cơ trên quy mô lớn hơn, sản lượng nhiều hơn. Khi ấy, việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất cũng như phát triển công nghệ đóng gói, bảo quản sẽ trở nên dễ dàng hơn để nâng cao hơn nữa chất lượng các loại rau quả hữu cơ do chính họ làm ra.

Theo Thanh Sơn/Báo Nông nghiệp

Có thể bạn quan tâm:

Đất nông nghiệp châu Âu bị nhiễm vi nhựa nặng

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty  Cổ phần Emi Nhật Bản

Địa chỉ: Thửa đất GD 1-15 Cụm công nghiệp Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội

Hotline: 024 3640 8795

Website: eminhatban.vn

Tham khảo các bài viết khác về nông nghiệp, bà con truy cập nhóm: https://www.facebook.com/groups/nhanongkhongdunghoachat/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *