Các kiểu làm giàn chanh dây: giàn chữ I hay là giàn thẳng đứng

Giàn chanh leo chữ I hay còn gọi là giàn chanh leo thẳng đứng là một trong 3 kiểu giàn phổ biến tại Việt Nam, bên cạnh giàn truyền thống và giàn chữ T.

Giàn truyền thống và giàn chữ T gần như là hai kiểu giàn đối lập nhau về công năng và lợi ích.

Với giàn chanh leo truyền thống, lợi thế về yếu tố dễ thi công và mật độ trồng cao để đánh đổi với chất lượng quả thấp và chăm sóc kém.

Với giàn chanh leo chữ T (đơn hoặc đôi), chất lượng quả cao và dễ chăm sóc đổi lấy nhược điểm là ngân sách đầu tư cho giàn cao và mật độ trồng thấp (nhưng có thể xen canh)

Vậy giàn chanh leo chữ I hay giàn thẳng đứng có những ưu điểm và nhược điểm gì? Cách thi công vườn ra sao?

Giàn chanh leo kiểu thẳng đứng (chữ I)

Cọc sử dụng cho dàn chanh leo có thể dùng cọc tre hoặc cây tạp, chi phí thấp. Chiều cao của cọc từ 2m-2,5m. Cọc được chôn xuống đất độ sâu từ 40-50cm.

Giàn chữ I
Giàn chữ I

Khoảng cách giữa các hàng cọc là 1m.

Khoảng cách giữa các cọc trên cùng một hàng là 2m.

Cách căng dây:

Dây căng cọc lên giàn là kẽm 3-4li. Dùng kẽm nối các đỉnh cọc trong cùng một hàng lại với nhau, và với các cọc lại với khoảng cách dây là 50 cm.

Để gia cố cọc chắc chắn hơn, bà con có thể buộc kẽm từ trên đỉnh cọc xuống chân cọc kế tiếp. Cách làm này cũng tăng không gian cho cây chanh leo bám lên.

Ưu điểm của giàn chanh leo chữ I

Đặc điểm ưu thế dễ nhận thấy nhất của dàn chữ I hay giàn thẳng đứng là cách thi công đơn giản, chi phí đầu tư cho giàn thấp, vật liệu rẻ và có thể tận dụng vật liệu có sẵn.

Mật độ trồng cao, năng suất từ mật độ trồng trên cùng một diện tích canh tác có thể cao hơn nhiều so với các kiểu dàn khác.

Không gian của giàn thoáng và sáng, ánh sáng mặt trời chiếu rọi đến mỗi diện tích giàn, giúp cây chanh leo nhận được nhiều ánh sáng và phát triển đồng đều trên cả giàn.

Việc chăm sóc dễ dàng hơn. Không gian giàn tạo điều kiện cho nhà nông có thể dễ dàng tưới tiêu, bón phân, quan sát mỗi cây chanh leo, phát hiện những dấu hiệu bệnh hại và đưa ra phương pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.

Chất lượng quả đạt cao nhất trong các kiểu giàn chanh leo đã nêu ra. Quả chất lượng loại 1 có thể đạt từ 80%-90%.

Khoảng cách giữa các hàng cũng có thể tận dụng để xen canh các loại rau màu, tận dụng tối đa diện tích để tăng thu nhập. Việc xen canh các cây họ đậu cũng giúp cải tạo đất và tăng độ mầu.

Nhược điểm của giàn chanh leo thẳng đứng (chữ I)

Vì khoảng cách giữa các hàng tương đối hẹp (1m), nên việc di chuyển trong vườn chanh tương đối hạn chế, nhất là nếu bà con tận dụng diện tích xen canh, thì việc di chuyển càng khó khăn hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc và thăm vườn.

Hệ thống giàn leo chữ I
Hệ thống giàn leo chữ I

Với giàn chữ I, phần gốc của cây chanh leo mọc lên thường để cành nhánh bị sát mặt đất, điều này tăng nguy cơ nhiễm các loại nấm gây bệnh hại cho cây.

Nhìn chung, giàn chữ I hay là giàn thẳng đứng là giàn trồng chanh leo khắc phục được các điểm yếu và tận dụng được điểm mạnh của hai loại giàn truyền thống và giàn chữ T. Đây là loại giàn tối ưu nên được khuyến khích sử dụng.

Qua các bài viết về kỹ thuật làm giàn trồng chanh leo, hy vọng bạn đọc có được những kiến thức nông nghiệp cần thiết, đưa ra được những nhận định chính xác theo điều kiện mình đang có và chọn được kiểu giàn phù hợp.

Chúc bà con nông dân sẽ có được những mùa chanh leo bội thu và trúng giá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *